Tiếp nhận niềm vui, cảm nhận nỗi lo...

Tường trình chuyến công tác Cambodia cuối năm 2016

Nguyễn Công Bằng (VDF)

Sau hơn một năm dành thời giờ cho hạnh nguyện Xuất gia Gieo duyên và phải khoán trắng việc chăm sóc các chương trình trợ giúp giáo dục của ViDan Foundation (VDF) ở Xứ Chùa Tháp cho nhà văn Tưởng Năng Tiến, tôi đã trở lại Cambodia. Lần này do còn trong thời gian tu học nên phải mặc Y Cà-sa và được gọi bằng Pháp danh Minh Trí.

Bên cạnh việc theo dõi hiện tình chương trình trợ giúp ở ba tỉnh Prey Veng, Kampong Chhnang và Pursat, Hiệp Hội đã phát 2.600kg gạo cho bà con nghèo ở khu vực trường Samaki, 562 phần quà (tập vở, bút mực, bánh kẹo) cho học sinh, và cứu tế một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến mức thương tâm.

Như mỗi lần thăm viếng trước đây, mỗi lần đi là mỗi lần tiếp nhận bao niềm vui và cảm nhận lắm nỗi lo.

Khởi đầu từ Nam Vang, tháp tùng đoàn là hai thành viên hội MIRO (Moniroty Rights Organisation) do ông Sourn Butmao hướng dẫn, và bạn trẻ Yeak Li – một người Khmer gốc Việt rất nhiệt tình.

Chặng thứ nhất: TỈNH PREY VENG

Đoàn ghé chặng đầu tiên ở khu vực Neak Loeung. Tại đây, Hội đã phát tập vở, bánh kẹo cho học sinh ở ba trường Ấp Sáu, Bãi Cát và Cầu Đúc.

Thăm một số học sinh các lớp Việt ngữ do VDF bảo trợ ở Neak Leoung

Trong dịp này, thầy giáo Lê Văn Hiển đã thay mặt gia đình các em học sinh nghèo trân trọng gửi lời tri ân lần nữa đến các mạnh thường quân của Hiệp Hội, đặc biệt là sự trợ giúp ngân khoản xây dựng lại ngôi trường vào đầu năm 2015, và liên tục bảo trợ cho gần 300 trẻ nghèo tại đây được đi học tiếng Việt miễn phí từ năm 2014.

Sau khi thăm các lớp học ở ba địa điểm, chúng tôi đến thăm viếng và tiếp trợ hai gia đình có người thân đang bị bệnh tật nghiêm trọng. Ngân khoản chia sẻ không lớn song đối với những đồng bào đang ở trong hoàn cảnh khó khăn tột độ, đó là một nguồn an ủi tinh thần đáng kể.

Chặng thứ hai TỈNH KAMPONG CHHNANG

Từ năm 2014, ViDan Foundation yểm trợ giáo dục cho 120 em học sinh nghèo ở trường Samaki, nằm bên bờ một dòng sông lớn phía cực Nam của Biển Hồ.

Thăm một số học sinh các lớp Khmer & Việt ngữ ở Kampong Chhnang

Trước khi bị chính quyền bản xứ buộc phải dời khỏi khu vực quen thuộc gần chợ, vốn chỉ cần chèo xuồng là có thể đến trường một cách nhanh chóng, dễ dàng. Mùa khô thì chèo đến bờ đất các trường vài chục mét. Mùa nước lên thì chéo thẳng đến chân cầu thang của trường (mặt nước mùa nước nổi cao hơn mùa khô khoảng 5-7 mét). Từ khi mấy trăm gia đình người Việt ở đây bị buộc phải dời đến khu vực mới, cách xa trường đến mấy cây số, nhiều em học sinh đã bỏ học vì không thể tự đến trường nữa (cha mẹ thì phải đi bắt cá mua gạo nuôi gia đình, mà các em thì không thể tự bơi xuồng đi học quá xa được).

Lần này, với sự bảo trợ của Bs. Kenneth Nguyen và một số tu sĩ, thân hữu, Hiệp Hội đã có được điều kiện phát gạo từ thiện cho 173 gia đình nghèo trong khu vực, mỗi gia đình 15kg (tổng cộng 2.6 tấn gạo dài).

Thăm hỏi và phát 2.600 kg gạo từ thiện cho 173 gia đình ở Kampong Chhnang

Bao gạo 15kg có lẽ không là một thứ gì đáng chú ý cho các gia đình người Việt ở nước ngoài song đối với nhiều gia đình người Việt đang lưu thân lạc xứ nghèo khó này, đây là số gạo lớn, vì có không ít gia đình vẫn còn lâm cảnh “đi làm hôm nay mua gạo cho ngày mai”. Đây là lần phát gạo thứ ba từ năm 2013 của ViDan Foundation.

Tại trường Samaki, VDF đã thăm viếng và phát bánh kẹo cho các em học sinh – những món quà tuy đơn sơ nhưng lại là niềm vui không nhỏ cho những đứa trẻ thiếu thốn mọi thứ. Cũng qua đợt thăm viếng nhà bè của nhiều em, chúng tôi chợt có ý nghĩa: Tại sao không làm một cuộc quyên góp đồ chơi cũ để chuyển tặng cho các em? Những món đồ chơi không dùng đến ở đây có thể là một nguồn vui to lớn cho những đứa trẻ chưa bao giờ có được, thậm chí thấy được, những món đồ chơi ở xứ văn minh.

Sau buổi phát gạo, chúng tôi đã có dịp thăm hỏi hai Cụ Bà nghèo khó, bệnh tật được người quen đưa đến để nhờ Hội giúp đỡ phần nào. Trước tình cảnh này, chúng tôi đã thay mặt những người có lòng của Hội gửi mỗi Cụ một phần tài chánh như là một sự an ủi, chia sẻ nhỏ đối với hoàn cảnh thương tâm đang có.

Chặng thứ ba: TỈNH PURSAT

Pursat có lẽ mang âm hưởng của chữ “bi đát”, vì hoàn cảnh bà con đồng bào ở đó quá khó khăn, nghiệt ngã.

Thăm trường Việt ngữ ở làng nổi Kor K'ek

Từ Kampong Loeung, đoàn đi ghe máy ca-nô chạy nhanh (chiếc ghe do một thân hữu VDF tài trợ) nhưng phải mất hơn 90 phút mới đến được làng nổi Kor K'ek, nơi có mấy trăm gia đình người Việt đang vật lộn với mặt nước phía Tây Biển Hồ hằng ngày để mưu sinh một cách vất vả.

Khác với làng nổi ở Siem Reap luôn được nhiều người ngoại quốc và Việt Nam đến thăm viếng, giúp đỡ… tập thể người Việt ở đây hoàn toàn trông đợi vào các tay lưới cá. Đánh cá gần như là nghề mưu sinh duy nhất – cá và nước Biển Hồ đã là nguồn sống của các thế hệ nối tiếp nhau.

Trường Kor K'ek quá nhỏ, học sinh quá đông, nhiều em phải ngồi dưới sàn để học.

Tại đây, khi thăm ngôi trường nổi do thân hữu VDF bảo trợ sửa chữa hồi năm trước, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy ngôi trường của hơn 110 em học sinh chỉ có 6 bộ bàn ghế cũ kỷ. Theo lời Thầy giáo Tâm, lớp nào cũng có một số em đến sau phải ngồi chồm hổm dưới sàn để học.

Khi học sinh vào lớp, nước ngập đến sàn (hình trái), khi tan học trường nổi cao lên 6 tấc (hình phải)

Ngày chúng tôi đến thăm, thầy giáo gom hết học sinh lại đón chào. Điều làm chúng tôi không tránh khỏi bàng hoàng là dù số học sinh đến chưa đông đủ nhưng một góc ngôi trường nổi đã chìm dưới mặt nước khoảng một tấc (3 inches). Đến khi tất cả chuyển qua chiếc nhà bè “cộng đồng” thì ngôi trường nổi trở lại bình thường, và đo mặt sàn với mặt nước cách nhau hơn 6 tấc. Điều này không lạ vì ngôi trường nhỏ bé này chỉ đủ sức chứa khoảng 50 học sinh nhưng sĩ số hiện nay là 110 em.

Vì vấn đề này, các phụ huynh nơi đây đã khẩn khoản xin Hiệp Hội giúp cho điều kiện sửa chữa chiếc "bè Cộng đồng" thành một ngôi trường 2 lớp học. Dự án này chắc chắn phải tốn kém hơn 10 ngàn mỹ kim -- một ngân khoản mà Hiệp Hội phải có được hơn 100 người bảo trợ (mỗi người cho $100 mỹ kim) thì mới đủ.  Do vậy, dù rất băn khoăn, áy náy trước tình cảnh tội nghiệp của các em, chúng tôi chỉ có thể hứa là sẽ chuyển thông tin và lời xin trợ giúp này đến bà con ở nước ngoài mà thôi. Chúng tôi còn phải nói thêm là: "Xin đừng vội hy vọng nhiều, khi nào có đủ tiền thì chúng tôi sẽ báo ngay!" Biết đâu hơn trăm em học sinh này sẽ may mắn được nhiều người có lòng quan tâm giúp đỡ để sớm có được một ngôi trường khang trang hơn, đến học một cách an toàn hơn!

Rời làng nổi Kor K'ek chúng tôi tiếp tục xuống ghe máy đi thêm 45 phút để đến Chùa Long Hải ở Rạch Dừng.

Ở đây, gần hai năm trước chúng tôi đã ghé thăm và sau đó đã trợ giúp $1.500 mỹ kim để vị Sư trụ trì Chùa mua ván đóng bàn ghế cho lớp học đang được xây dựng.

Lớp học Chùa Long Hải, với 65 em học sinh đến học vào mùa nước nổi.

Vào tháng 10/2015 nhà văn Tưởng Năng Tiến đã thay mặt Hội đến thăm trường.

Lớp học nay đã tạm ổn nhưng theo vị Sư trụ trì, sự an tâm chỉ có vào mùa nước cao (khoảng 5-6 tháng mỗi năm) vì khi nước bắt đầu rút thì tất cả bè ở làng nổi phải dời ra xa theo mực nước để có thể di chuyển và đánh cá. Theo lời một cư dân, địa điểm neo bè vào mùa khô cách Chùa hơn 5 km. Và vì vậy, các em sẽ không thể đến học trường của Chùa trong mùa nước cạn. Từ lý do đó, Vị Sư trụ trì đã ngỏ lời xin Hội tìm cách giúp cho xin bàn ghế để các em được ngồi học đàng hoàng trong mùa khô, thay vì phải tiếp ngồi chồm hổm dưới sàn cái "bè cộng đồng" để học như đã học trong mấy năm qua. Chi phí trang bị bàn ghế cho 65 em học sinh sẽ không cao như dự án ở Kor K'el song đó cũng là một câu hỏi lớn về mặt tài chánh: Làm sao có đủ tiền để hỗ trợ thêm cho các em ở cái làng nổi xa xôi đìu hiu và nghèo khó này?

Các em học sinh Chùa Long Hải nhận quà và chụp hình kỷ niệm với đoàn trước sân chùa.

Như bao nhiêu lần đi từ hơn mười năm qua, mỗi lần hoàn thành một chuyến công tác từ thiện là mỗi lần chúng tôi rất vui khi được hân hạnh thay mặt những người hảo tâm chuyển lòng nhân ái và sự chia sẻ đến những đồng bào nghèo khó, kém may mắn. Nhưng cũng mỗi lần đó, trong lòng lại căng lên những nỗi lo: Làm sao có thêm tiền để giúp những đồng bào khác đang cần được tiếp trợ?

Song song với nỗi lo âu đó là nỗi ngậm ngùi cho những thân phận đang lưu thân lạc xứ ở quê người: Những người đồng bào này không có nghề nghiệp vững chắc, không tương lai... vì không có căn cước (stateless).

Những nỗi mừng vui, lo âu, ngậm ngùi đó chắc chắn sẽ tiếp tục chi phối chúng tôi -- những người luôn gắn liền tâm trí của mình với hoàn cảnh, tương lai của những đồng bào kém may mắn; trong đó có hàng ngàn đứa trẻ đáng tội nghiệp đã tình cờ gặp gỡ trên con đường vì lòng nhân ái.

Chuyến đi cuối năm 2016 kết thúc một cách bình an và thành công.

Chi phí tổ chức phát gạo miễn phí và giúp đỡ một số người già bệnh kỳ này được thực hiện bởi sự yểm trợ bởi HT. Thích Huyền Việt, TT. Thích Trí Tịnh, TT. Thích Trí Quảng, Bs. Kenneth Nguyễn ở Hoa Kỳ, ông Nguyễn Minh ở Perth, Úc Châu, và một số thân hữu ở Houston, TX.

Chính nhờ những tấm lòng nhân ái từ khắp nơi mà Hiệp Hội đã có được điều kiện để chia sẻ với hàng ngàn đồng bào và trẻ thơ đang cần được an ủi ở Xứ Chùa Tháp Cambodia; và hàng trăm bệnh nhi ung bướu, người tàn tật ở Việt Nam.

Mong sao những tấm lòng nhân ái của ViDan Foundation sẽ tiếp tục cố gắng là ân nhân của những đứa trẻ tội nghiệp chỉ dám mong "được học cho biết chữ" -- biết đọc biết viết chữ Việt để không đánh mất văn hóa Việt, biết đọc biết viết chữ Khmer để không bị người bản xứ khinh dễ là "Đồ dốt chữ!".

Tường trình bởi Nguyễn Công Bằng

www.hoamai.us