Dạy học ở Cambodia: Khó khăn ban đầu

 Lớp Anh Ngữ trong ngày làm quen với lớp (07-06/2013)

Sau một tuần nhận học sinh và khởi đầu chương trình làm quen với lớp học, tôi nhận thấy ngay được một số điểm đáng mừng, và nhiều điểm đáng lo từ những đứa trẻ đang chập những bước vào đường học chữ trong “Chương trình Lớp Học 3 Ngôn Ngữ cho Trẻ Em Nghèo ở Cambodia”.

Những điểm đáng mừng

Những gia đình các em có ý thức về tầm quan trọng của giáo dục, hay nói nôm na theo lời họ là sự ích lợi của “cái chữ”, đã sốt sắng đến ghi danh cho con đi học. Có gia đình cố gắng mua được một bộ quần áo mới cho con mình. Có người ráng dành dụm chút tiền cho con đem theo ăn sáng… Đặc biệt, những lời tri ân chân chất của người cha, người mẹ đối với Hội, dù chỉ mới đến ghi danh, đã là một động lực giúp cho anh em trong nhóm chủ trương cảm thấy ấm lòng mà cố gắng tiến hành công việc.

Điểm đáng mừng khác là qua uy tín cá nhân của người sáng lập (anh Y Deour – một người Khmer gốc Việt), cũng như qua quá trình sinh hoạt lâu dài của anh tại Cambodia, nên một chính khách (và cũng là một đại doanh nhân) của Cambodia đã khéo léo yểm trợ cho việc lập Hội, sắp xếp nơi mở lớp đầu tiên, và cũng là người giới thiệu một văn phòng Luật sư nổi tiếng đứng ra chăm sóc vấn đề pháp lý cho Hội.

Điểm mừng kế tiếp là có bốn người thuộc giới có uy tín, đang có vị trí trong chính quyền tỉnh Siem Reap, đã nhận lời cùng với anh Y Deour đứng trong Hội đồng Quản trị để xin giấy phép thành lập Hội. Sự hiện diện của những vị này là uy tín đầu tiên và quan trọng của Hội đối với chính quyền và người Cambodia.

Những điểm đáng lo

Do hầu hết các em xuất thân từ những gia đình nghèo khốn khó và cha mẹ cũng thuộc thành phần không có cái may mắn được đến trường, phần lớn các em biểu hiện khá rõ ràng sự ô nhiễm từ môi trường sinh sống tạp nhạp của gia đình, làng xóm. Do vậy, để chuẩn bị tâm lý cần thiết để các em có thể học hành hiệu quả, Hội cần phải mướn thêm một Thầy hoặc Cô có khả năng sinh hoạt giỏi với các các em để đưa các em dần vào khuôn khổ lớp học, có tinh thần kỷ luật tự giác cao hơn, và những thói quen tốt trong sinh hoạt học đường. Giải quyết nhu cầu này là thêm một trách nhiệm về lương bổng của tập thể giáo viên. Ít nhất là $100-150 USD/tháng.

Về thể chất, rất khó để tin là những em nhỏ này đã 6, 7 tuổi hoặc lớn hơn nữa. Người các em nhỏ choắt, tay chân khẳng khiu và thân thể biểu hiện khá rõ tình trạng thiếu dinh dưỡng. Điều ngạc nhiên là trong số những em học sinh bé nhỏ này, một số đã có kinh nghiệm mưu sinh giúp gia đình bằng nghề xin, lượm chai nhựa ở nhà hàng, trên đường phố, thùng rác… Một cảnh tượng xót xa gặp phải là khi một bọc bánh chips (bán rất rẻ tiền ở xứ này)  bị rớt tung tóe trên sàn lớp học đầy bụi cát, ba em cùng nhóm đã ngồi xuống lượm lên ăn ngon lành. Các em hoàn toàn không có ý niệm về vệ sinh cơ bản. Cái thèm, cái đói lấn át hết mọi thứ khác.

Về tư cách, chỉ khoảng phân nữa các em biểu hiện sự ngoan ngoãn tương đối. Phần còn lại nói năng như đang sinh hoạt ở một góc chợ, thậm chí còn chửi thề một cách rất tự nhiên. Điều an ủi là các Thầy/Cô không tỏ vẻ tức giận mà lại rất kiên nhẫn để khuyên bảo, dạy dỗ từng em. Có lẽ những Thầy Cô này lớn lên hay sống ở đây lâu năm nên đã hiểu được lý do tại sao các em lại như vậy, và cảm thương, dạy dỗ cho các em tốt hơn thay vì rầy la, phạt vạ…

Về sinh hoạt, gần phân nửa là không có ý thức về kỷ luật. Chỉ trong một giờ đồng hồ quan sát, đã thấy tới ba lần một nhóm nhỏ 4 em ngồi thụp xuống gầm bàn chơi say mê với một bộ bài nhỏ nhắn. Có 5, 7 em cứ bỏ lớp chạy vô chạy ra… Người Thầy Giáo nhắc nhở, nắm tay từng em trở lại vị trí một cách rất kiên nhẫn. Có nhiều lúc Thầy giáo đưa tay bồng cả học sinh bướng bỉnh đưa trở lại bàn học.

Cùng lúc đó, việc di chuyển các em đến lớp học cũng là một vấn đề.Phần lớn gia đình các em sống nhoi nhúc ở các khu lao động nghèo sau các khu chợ bình dân. Nhà những gia đình này, nếu muốn gọi là nhà, là những cái chòi được thành hình bằng sự ráp vá bởi nhiều mảnh tôle thiết, lá dừa, giấy carton, tấm ni-lông… với nhau.Từ các khu này đến địa điểm lớp học không xa lắm song tất nhiên không thể đi bộ được. Và nếu không có phương tiện di chuyển thì xem như việc các em đi học trở thành bất khả thi, vì cha mẹ các em không có xe cộ và cũng không có thời giờ để đưa đón các em. May mắn sao một người phụ nữ tương đối khá giả trong vùng đã có lòng nhân từ, nhận bảo trợ tiền mướn một chiếc xe “rờ-mọt” (vốn dùng để chở hàng bình dân) để chở các em ở khu vực trên đường đi Biển Hồ đến lớp vào buổi sáng và đón về vào buổi chiều. Phần các em ở khu vực sau chợ Sa-lơ thì đến giờ phút này vẫn do sự đích thân đưa đón bằng chiếc xe riêng của anh Y Deour. Cách thức này chi phối việc điều hành lớp khá nhiều và đã trở thành một nhu cầu quan trọng cần được người có lòng đứng ra bảo trợ. Muốn giải quyết nhu cầu này, Hội cần bảo trợ một ngân khoản tối thiểu là $100 USD mỗi tháng để mướn thêm một xe “rờ-mọt” đưa đón các em.

Nhu cầu to lớn và quan trọng không kém là giải quyết việc ăn trưa cho các em.Do các em ở xa, đi về buổi trưa và trở lại buổi chiều gần như là chuyện không thể làm được, việc cung cấp bữa ăn trưa đã bất chợt trở thành một vấn đề khẩn thiết. Gia đình các em không có khả năng lo tiền ăn trưa cho các em, và cũng không có điều kiện để đem cơm đến, hay đón các em về nhà ăn cơm Vì vậy, chị Deour đã tình nguyện mua thực phẩm và nấu ăn miễn phí cho các em, trong thời gian chờ đợi Hội tìm được mạnh thường quân đứng ra bảo trợ toàn phần (khoảng $480 USD/tháng cho 40 em), với tốn phí khoảng 55 xu cho một phần cơm. Nhìn các em ốm yếu, xanh xao đón những đĩa cơm có thịt cá đầy đủ và ăn ngon lành, ai thấy cũng không cầm được sự xúc động. Rất có thể là ở nhà, các em cũng khó có được những bữa ăn tương đối đầy đủ như vậy.

Một nhu cầu khó làm ngơ khác là giúp một bộ quần áo cho những em mà gia đình quá khốn khó, đến nỗi không có được một bồ độ lành lặn cho con mình đi học. Trước tình trạng này, Hội đã mua một số quần áo để tặng cho các em thuộc diện nghèo khổ quá mức. Cũng từ vấn đề này, một số anh em trong Hội đã bàn đến việc xin bảo trợ để tặng đồng phục cho các em trong tương lai. Mỗi bộ đồ vải thường may sẵn ở chợ giá khoảng $5 USD / bộ.

Vài biểu hiện đó thôi cũng cho thấy là các em có nhu cầu giáo dục rất nhiều chứ không phải chỉ là dạy cho biết chữ. Chúng ta sẽ rất khó trách cứ gia đình các em khi cha mẹ các em cũng ở trong tình trạng tương tự. Có thể nói, chính môi trường sống thiếu giáo dục đã làm mất đi bản chất hồn nhiên trong sạch của các em. Dạy cho các em thưa hỏi đúng cách với Thầy Cô, cách ngồi, cách đứng, cách nói, cách ăn, v.v… chỉ mới là bước đầu cơ bản.

Vì vậy, trách nhiệm giáo dục của Hội nặng hơn rất nhiều, và rõ ràng là không có sự lựa chọn nào khác: Muốn giúp các em được nên người hơn sau này, phải kiên nhẫn rất nhiều trong tiến trình dạy dỗ sắp tới.

Những đứa trẻ vô tội này rồi sẽ lớn lên, lập gia đình và trở thành Cha Mẹ. Những gì các em tiếp thụ lúc tuổi thơ và thời niên thiếu sẽ là hành trang, chất liệu con người em sau đó.

Do vậy, nhu cầu giáo dục các em trở nên nặng nề và quan trọng hơn dự liệu ban đầu của Hội.

***

Nói chung, những trở ngại ban đầu không phải là quá bất ngờ song mức độ các vấn đề đã nhiều và lớn hơn những dự liệu trước khi khai giảng.

Những vấn đề đó cũng có nhu cầu song song với việc dạy cho các em biết chữ. Giải quyết được những vấn đề khó khăn cơ bản đó thì việc giáo dục về văn hóa mới có điều kiện để tiến hành.

Hội đã xây dựng được bước tiến quan trọng đầu tiên. Trân trọng cảm ơn anh Y Deour và gia đình đã quyết chí tiến hành chương trình ý nghĩa này. 
Anh chị em thuộc Câu lạc bộ Hoa-Mai đã đóng góp cho bước đầu, và sẽ tiếp tục giới thiệu, vận động các anh chị em có lòng khác cùng tiếp tay trong thời gian tới.
Nhóm Chủ trương hy vọng sẽ nhận được sự tiếp trợ về mặt tinh thần và vật chất của những người có lòng và cùng chung sự quan tâm. Mỗi người một tay, chúng ta sẽ giúp cho các em nhỏ này có được một tương lai sáng sủa hơn là đi lượm ve chai, làm phu, làm thợ rẻ tiền cho người bản xứ. Tương lai của các em là ở “cái chữ”.

Chúng ta không thể cưu mang tất cả người kém may mắn nhưng chúng ta có thể giúp thay đổi cuộc đời của những đứa bé thơ này qua con đường giáo dục cơ bản.

Mong thay!

Nguyễn Công Bằng

Ngày 7 tháng 6 năm 2013
Viết từ thành phố Siem Reap, Cambodia.