[VOA] Hiệp Hội Vì Dân nỗ lực cứu trợ trong tinh thần ‘Lá Lành Đùm Lá Rách’

Số phận hẩm hiu của người Việt tại Cambodia:

Hiệp Hội Vì Dân nỗ lực cứu trợ trong tinh thần ‘Lá Lành Đùm Lá Rách’

* Ngọc Hân, Đài VOA Washington DC

Tại Kampuchia, trên một triệu người gốc Việt sinh sống trong cảnh nghèo khó, thất học, nên từ nhiều năm qua, các tổ chức thiện nguyện người Việt tại Mỹ và Úc – kể cả ViDan Foundation - nỗ lực thực hiện công tác cứu trợ.

Trong số những cộng đồng người Việt đã thành hình nhiều năm trước thời điểm 1975 ở nước ngoài – chẳng hạn như tại Pháp, tại Tân Đảo New Caledonia, tại Lào và tại Kampuchea, có lẽ cộng đồng người gốc Việt tại Đất Chùa Tháp Cambodia là bất hạnh hơn cả. Các cộng đồng này chia sẻ đặc điểm là họ khởi đầu đi lập nghiệp vì một yếu tố chung là quan hệ giữa các thuộc địa của Pháp. Tại Kampuchia, trên 1 triệu người gốc Việt sinh sống trong cảnh nghèo khó, thất học, thậm chí trong tình trạng vô-quốc-tịch (stateless) và trẻ em không được đi học. Nhiều người đã chờ đợi sự ủng hộ, giúp đỡ và can thiệp từ phía chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng họ đã thất vọng.          

Phát gạo cho người nghèo. Quà của Bác sĩ Kenneth Nguyen.

Phát gạo cho người Việt nghèo khổ, bềnh bồng trên sông nước Kampuchea

(Photo: Quốc Việt)

Từ nhiều năm qua, các tổ chức thiện nguyện người Việt tại Mỹ và Úc -kể cả Vì Dân Foundation - đã nỗ lực thực hiện công tác cứu trợ. Cộng đồng người Việt tại Mỹ, tại Australia, Canada và Châu Âu – ngoại trừ nước Pháp – là những cộng đồng mới, tức là chỉ hình thành vì biến cố lịch sử tháng 4 năm 1975 khi toàn thể lãnh thổ Việt nam bị áp đặt dưới chế độ cộng sản. Trong những cộng đồng mới này, người Việt rất thành công về mặt giáo dục và kinh tế tại chánh, nên sẵn lòng thực hiện những chương trình cứu trợ, mặc dầu ai cũng hiểu rằng một vấn đề lớn như tập thể người gốc Việt tại Kampuchia chỉ có thể giải quyết được ở cấp chính phủ.

Tại Australia, các tổ chức thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hoặc bên ngoài tôn giáo như Hội Bạn Thiện Nguyện Tây Úc với Nha sĩ Dương Quỳnh Giao và ngay cả một đài phát thanh tư nhân như Radio 2VNR tại Sydney của Ông Bà Hoàng Nam và Mẫu Đơn cũng đã góp công góp của vào những công tác thiện nguyện tại Kampuchia.

Vì Dân Foundation Inc. – hay Hiệp Hội Vì Dân - là một tổ chức thiện nguyện mà tiền thân là Câu Lạc Bộ Hoa Mai vừa tổ chức lạc quyên tại Melbourne và Sydney hồi cuối năm 2014 và tại Houston, Tiểu Bang Texas Hoa Kỳ hồi đầu năm 2015. Theo lời Ông Bà Nguyễn Công Bằng và Anh Trinh, đại diện Hiệp Hội Vì Dân, Hiệp Hội đã nhận được ủng hộ tài chánh trên 72% ngân sách dự trù cho năm 2015 tại Kampuchia – một ngân khoản khiêm tốn khoảng 40 ngàn dollars.

Theo nguồn tin của Hiệp Hội, “trong năm 2014 Vì Dân Foundation bảo trợ việc dạy chữ Khmer và Việt Nam cho 300 trẻ em thuộc các gia đình người Việt đang sống lưu lạc khốn khổ ở Cambodia. 

“Vào ngày 12.01.2015, Vi Dan Foundation bảo trợ thêm 100 em học sinh ở làng Bati, tỉnh Prey Veng; nâng tổng số học sinh được bảo trợ đi học chữ miễn phí là 400 em. Ngân khoản bảo trợ bao gồm các khoản cần thiết để tổ chức các lớp học một cách hợp pháp, và tiền ăn trưa, mua sách vở, quần áo cho các em”.

Tai Sydney hồi cuối năm, chúng tôi đã tiếp xúc với Ông Nguyễn Công Bằng với phần phỏng vấn sau đây.

Ngọc Hân: Thưa Ông Nguyễn Công Bằng – Hiệp Hội Vì Dân Foundation là một tổ chức như thế nào?

Nguyễn Công Bằng (NCB): “Kính chào Chị Ngọc Hân và kính chào quí thính giả Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – Hiệp Hội Vì Dân là một tổ chức thiện nguyện phi-chính-phủ theo luật pháp của chính phủ Hoa Kỳ, tiền thân là Câu Lạc Bộ Hoa Mai đã hoạt động từ năm 2005 với một số công việc như trợ giúp cho đồng bào dân oan, cho những nạn nhân thiên tai bão lụt, cho các em bịnh ung bướu và thương phế binh ở Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2013. Chúng tôi phát triển chương trình qua Vương Quốc Kampuchia nhằm trợ giúp vấn đề giáo dục cho trẻ em Việt Nam không có điều kiện đi học một cách bình thường. Hiện thời tên chính thức là Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân và tên tiếng Anh là Vì Dân Foundation, thưa Chị”.

Ngọc Hân: Với mục đích rộng rãi như vậy, trọng tâm hoạt động của tổ chức này là tại Việt Nam, Kamphuchia hay là còn tại Mỹ và tại Úc nữa, thưa Anh?

NCB: “Thưa, theo điều lệ của Vì Dân Foundation, chúng tôi tập trung hoạt động vào Việt nam, ở Kampuchia và một số nước Đông Nam Á lân cận Việt Nam. Nhưng tại Hoa Kỳ, chúng tôi có một số hoạt động trong cộng đồng nhằm phục vụ cho cộng đồng người Việt mình tại khu vực có sinh hoạt của Vì Dân Foundation. Bên cạnh đó, chúng tôi có một số nỗ lực để có giao lưu văn hoá giữa (xãhội) Hoa Kỳ và cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ”.

Ngọc Hân:Anh có thể cho biết thí dụ cụ thể về hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ không, thưa Anh?

NCB: “Tại Hoa Kỳ, chúng tôi thường trợ giúp những hoạt động thiện nguyện tại địa phương, gây quỹ cho các Chùa hay các Nhà Thờ hoặc quyên góp cho những người gọi là bất hạnh tại địa phương hay là tại Việt Nam – cũng như tại Kampuchia. Nói chung, tất cả những hoạt động thiện nguyện nào mà Anh Chị Em của Câu Lạc Bộ Hoa Mai trước đây và bây giờ là Vì Dân Foundation có thể làm được, thì chúng tôi có thể góp sức một cách trực tiếp”.

 Ô. Nguyễn Công Bằng và bà Judith Kunze thăm Trường Việt Ngữ Neak Loeung

Ông Nguyễn Công Bằng và Bà Judith Kunze thăm Trường Việt Ngữ Neak Loeung (Photo: VDF)

Ngọc Hân: Còn tại Việt Nam và Kampuchia, thì công tác cụ thể gồm những gì trong những năm gần đây, thưa Anh?

NCB: “Trong vài năm gần đây, chúng tôi hợp tác mật thiết với Hoà Thượng Thích Không Tánh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để giúp cho các em bịnh nhi ung bướu và thứ hai là cho các anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, mỗi năm vài lần. Đó là các công tác cụ thể nhứt. Cùng lúc đó, chúng tôi có một số trợ giúp cho đồng bào người sắc tộc thiểu số đang gặp hoàn cảnh khó khăn, qua các hoạt động của tu sĩ Công Giáo, Tin Lành”.

Ngọc Hân: Tại Kampuchia, thì hoạt động chính là ở Phnom Penh hay bên ngoài Phnom Penh, thưa Anh?

NCB: “Tại Kampuchia thì từ năm 2013 chúng tôi có hợp tác với một hội thiện nguyện của Kampuchia bên đó để mở một trường dạy Anh ngữ, dạy tiếng Khờ Me và tiếng Việt cho khoảng 45 trẻ em tại Siêm Riệp – Đồng thời năm nay, chúng tôi cũng đã mở thêm một lớp dạy Việt ngữ cho khoảng 150 em tại Neak Loeung - tức là Hố Lương mà người Việt hay dùng – và tại Kompong Chnang, thì chúng tôi có chương trình dạy tiếng Khờ me và tiếng Việt cho 95 em. Tiếng Khờ Me là theo chương trình của Bộ Giáo Dục Kampuchia và tiếng Việt để các em bảo tồn văn hoá. Đây là chương trình mà các em học ở đây, được cấp giấy tương đương với giấy Khai sinh có nghĩa là sau này các em, nếu không học nơi đây mà đi học nơi khác, thì các em cũng có được khai sinh. Một điều rất hiếm hoi tại Kampuchia là vì hầu hết những người sinh ra tại Kampuchia đều không có giấy tờ hợp lệ, ngay cả thế hệ thứ hai và thứ ba. Chương trình này, với sự hợp tác của một hội thiện nguyện Kampuchia, chúng tôi đã vận động được chính quyền địa phương cấp cho các em một giấy tương đương với giấy Khai sinh.”.

Ngọc Hân: Một chi tiết lịch sử – Neak Loeung có phải là một nơi nằm trên sông Cửu Long – mà trước năm 1975 là nơi đóng quân của Quân Lực VNCH trong cuộc giải phóng Kampuchia hồi ấy. Có phải vậy không thưa Anh?

NCB: “Đúng vậy. Thành phố này mà người Việt mình gọi là Hố Lương có một bến phà lớn và có thể nói rằng người Việt mình sống tại bến phà này rất nhiều, sống bằng nghề buôn bán hàng rong tại bến phà. Hiện nay, xin thưa với quí thính giả và thưa Chị là những đồng bào này đang gặp một sự đe doạ lớn là cây cầu tại Hố Lương xây sắp xong, năm tới là xong. Khi xây cầu xong như vậy thì bến phà có thể không còn làm việc nữa và như thế, số đồng bào này sẽ mất cơ hội để mưu sinh tại đây”.

Ngọc Hân: Những hoạt động như vậy tất nhiên phải cần tài chánh. Vì Dân Foundation có chương trình gây quỹ như thế nào ở nước ngoài?

NCB:  “Thưa Chị và quí thính giả. Cho đến phút này, chúng tôi – bên cạnh đóng góp của anh chị em thân hữu đã yểm trợ cho Câu Lạc Bộ Hoa Mai trong thời gian qua, thì Vì Dân Foundation trông đợi sự yểm trợ của đồng bào tại Houston,Tx. là chính yếu. Và thứ hai là chúng tôi cũng có sự vận động qua internet để đồng bào các nơi có thể đóng góp qua hệ thống PayPal và trong chuyến nầy, sau khi đi công tác Kampuchia và đến đây, thì chúng tôi đã thuyết trình tại Melbourne và nhận được sự đóng góp nhiệt tình của đồng bào Việt Nam tại Melbourne, và hiện tại chúng tôi có mặt tại Sydney cũng nhằm vào mục đích tương tự, chia sẻ công việc trợ giúp giáo dục tại Kampuchia và mong đồng bào tại đây góp một phần vào việc trợ giúp cho các em Việt Nam kém may mắn ở Kampuchia”.

Ngọc Hân: Trong năm 2015, chương trình sinh hoạt của Vì Dân Foundation sẽ gồm những gì, thưa Anh?

NCB: “Hiện tại chúng tôi đang bảo trợ việc học cho khoảng 300 trẻ em thuộc gia đình nghèo người Việt mình tại Kampuchia. Năm 2015, hai lớp học tại Kampong Chnang sẽ biến thành balớp – lớp 2 sẽ thành lớp 3 và có một lớp 1 mới. Điều mà chúng tôi mong đợi là chúng tôi sẽ có đủ ngân khoản để duy trì các lớp học cho các em hiện thời; và năm tới là năm có lớp học mới thì chúng tôi cũng có đủ ngân khoản để các em tiếp tục đi học. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng mong đợi là có thể mở rộng chương trình trợ giúp giáo dục này tại một số địa điểm khác, nơi có nhiều đồng bào rất nghèo khổ và con cái họ hoàn toàn không được đi học. Đó là dự trù của chúng tôi và chúng tôi làm được hay không là tùythuộc vào sự trợ giúp của đồng hương ở các nơi. Xin cảm ơn Chị Ngọc Hân và xin cảm ơn quí thính giả Đài Tiếng nói Hoa Kỳ”.

Ngọc Hân: Xin cảm ơn Ông Nguyễn Công Bằng

Quí thính giả vừa theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch ViDan Foundation Inc.

* Ngọc Hân tường trình

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney Australia.

(Nguồn:Chương trình VOA lúc 10 giờ tối Thứ Hai19.01.2015)

http://www.voatiengviet.com/audio/2604565.html

(Chương trình 10 PM Thứ Hai 19.01.2015 -- Audio: Phút 34'10 - 43'10")