Thoát khỏi cảnh phải ngồi bẹp học chữ

Read a related article in English

Năm mới: Trường mới! Ngày 07-02-2019, Nhà văn Tưởng Năng Tiến đã đại diện bà Kim Bintliff và Hiệp hội Thiện nguyện ViDan Foundation chính thức trao tặng ngôi trường mới cho bà con đồng bào gia đình nghèo ở làng Anlung Raing, tỉnh Pursat. Kể từ nay, các cháu bé đã có được một ngôi trường đúng nghĩa, thoát khỏi cảnh phải ngồi bẹp để học chữ.

AnlungRaing 12

Nhà văn Tưởng Năng Tiến (bên phải) và hai Thầy giáo cùng một số học sinh trong ngày trao tặng trường Lung Raing.

Đó là món quà Tết lớn nhất, vui nhất và ý nghĩa nhất. Công trình xây dựng ngôi trường được sự bảo trợ của bà Kim Bintliff ở Houston, Texas – một vị ân nhân luôn sẵn lòng chia sẻ với những đồng bào đang sống cảnh tha hương lạc xứ, đặc biệt là những trẻ thơ kém may mắn.

 

AnlungRaingSchool 19 

Anh Ngô Văn Ly, nhà văn Tưởng Năng Tiến và Thầy Trần Đông Xuân

cùng một số học sinh mừng ngôi trường mới

Trường Lung Raing khởi đầu từ thiện chí của một người Việt rất quan tâm đến lớp trẻ: Thầy Trần Đông Xuân. Hơn mười năm trước, được sự tín nhiệm và đề nghị của mấy chục gia đình có con nhỏ, người thanh niên có được trình độ văn hóa cao nhất ở đây đã sẵn lòng trở thành vị Thầy giáo đầu tiên của làng nổi Anlung Raing. Điều đáng trân trọng nhất là Thầy Xuân đã dùng chính căn nhà bè của mình để làm nơi dạy chữ trong hơn 10 năm qua.

201809 AnlungRaing Class

“Lớp học” cũ của Thầy Trần Đông Xuân ở làng Lung Raing.

Trước khi có ngôi trường nổi mới, Thầy giáo và đám học trò cùng ngồi bẹp trên sàn nhà: để dạy và để học. Không có sách giáo khoa, Thầy khòm lưng viết bài học cho từng đứa học trò. Cùng lúc, đám học trò ngồi bẹp quây quần chung quanh Thầy trả bài, tập đọc, tập viết…

Trước và sau giờ học, sàn nhà bè này cũng là “sân chơi” duy nhất cho đám học trò.

Lớp học bất thường đáng tội nghiệp này kéo dài hơn mười năm, cho đến khi ViDan Foundation biết được và vận động tài chánh xây dựng một ngôi trường nổi. Tháng 02-2019, ngôi trường mới với bàn ghế mới, bảng đen mới… trở thành ngôi trường đầu tiên của làng Lung Raing.

AnlungRaingSchool 2019

Ngôi trường nổi mới của làng Lung Raing

Tháp tùng nhà văn Tưởng Năng Tiến chuyến này có chị Tôn N. Như Hạnh – một cựu đồng nghiệp ở California. Được chứng kiến tận mắt sự khốn khó của số đồng bào đang sống vất vưỡng ở đây, đặc biệt là đám trẻ thơ kém may mắn, chị Như Hạnh đã hăng hái đóng góp gần một ngàn mỹ kim, phụ giúp với chương trình trợ giúp quý Thầy giáo, các thiện nguyện viên, và quà tặng cho tất cả trẻ em của làng.

GiftDistribution 06

GiftDistribution 03

Chị Như Hạnh thay mặt nhà văn Tưởng Năng Tiến và anh Butmao Sourn (Chủ tịch hội Minority Rights Organization) trao tặng cho các cháu học sinh tập vở, bút  viết và quà kẹo trẻ thơ.

***

Song song với chương trình trao tặng Trường học mới, nhà văn Tưởng Năng Tiến và phái đoàn đồng thời đã chuyển tặng 150 phần quà Tết (mỗi gia đình $15 USD) cho 100 gia đình ở làng Anlung Raing và 50 gia đình ở ấp Tà-Cua. Ngân khoản $2.250 USD quà tặng này cũng là  món quà đặc biệt của bà Kim Bintliff – người bảo trợ xây dựng ngôi trường Lung Raing.

AnlungRaingSchool 17

AnlungRaing 13

AnlungRaing 16

Nhà văn Tưởng Năng Tiến đang thăm hỏi và phát quà Tết cho đồng bào.

Từ nhiều năm qua, hoàn cảnh chung của số đồng bào đang tạm cư ven bờ Biển Hồ hay dọc bờ sông Mekong đã mỗi ngày một khó khăn hơn. Nguồn mưu sinh chính yếu là đánh bắt cá đang cạn kiệt, và nhiều làng nổi đang bị giải tỏa dần bởi chính quyền địa phương. Do vậy, bất cứ sự trợ giúp vật chất, tài chánh nào trong thời gian này đều là niềm vui to lớn đối với những gia đình khốn khó. Món quà mười lăm mỹ kim ở ngày mồng 2 Tết Nguyên đán được đón nhận nồng nhiệt.

AnlungRaing 02

Một cụ già bán khô cá (đổi gạo sống qua ngày) đến nhận quà hiện kim.

***

Từ lớp học miễn phí cho trẻ Việt ở Siem Reap, ở Kampong Chhnang đến những ngôi trường mới cho trẻ ở Neak Loeung, ở Kor K’Ek (Pursat), ở làng Bến Ván, và nay là ở làng AnLung Raing, các thân hữu giàu tình thương của ViDan Foundation đã từng bước biến những ước mơ tưởng là xa xôi của đám trẻ bất hạnh trở thành hiện thực. Ước mơ được học “cái chữ”, ước mơ có một mái trường đàng hoàng… rõ ràng là những ước mơ đáng tội nghiệp ở thời đại này; vì cũng ở những lứa tuổi đó tại hầu hết nước khác, các mái trường khang trang luôn có sẵn và mở rộng cửa chào đón trẻ đến học.

Lớp học của trẻ Việt ở Cambodia không như các lớp học ở Việt Nam, và cũng không như các lớp Việt ngữ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sự khác biệt đau lòng là các em chỉ học để được biết chữ: biết đọc, biết viết và biết làm bốn phép tính căn bản. Hầu hết các em sẽ không bao giờ có cơ hội tốt nghiệp Đại học, thậm chí Trung học… chỉ vì không có giấy khai sinh để có thể vào trường công lập bản xứ.

Đa số những đứa trẻ hiện nay là thế hệ thứ ba hoặc thứ tư. Nếu như chính sách của Vương Quốc Cambodia không có những thay đổi thuận lợi để những đứa trẻ Việt sinh ra ở Xứ Chùa Tháp có thể được công nhận mang quốc tịch Vương quốc này, hay ít nhất là được cấp giấy khai sinh chính thức để có thể vào học ở các trường công lập, thì tương lai những đứa trẻ Việt kháu khỉnh hôm nay sẽ không khác gì quá khứ và hiện tại của ông bà, cha mẹ chúng: cũng khắc khổ, nhục nhằn và rất khó để có một tương lai tươi sáng hơn.

Những đứa trẻ này tự xưng là người Việt nhưng không được Việt Nam nhận là công dân Việt, cũng không được chính quyền bản xứ xem là người Khmer gốc Việt mà chỉ là những đứa trẻ vô tổ quốc (stateless). Dù vậy, các cháu vẫn muốn học chữ Việt để giữ bản sắc, văn hóa Việt. Tinh thần đó đáng để những người Việt may mắn hơn ở khắp nơi nâng đỡ, hỗ trợ.

Xin hãy tiếp tục cùng nhau góp những bàn tay nhân ái để trong năm 2019, một ngôi trường mới nữa sẽ được thành hình ở một làng nghèo heo hút khác.

Xin cùng nhau cho các cháu một niềm hy vọng ở hiện tại: được thoát cảnh mù chữ; và một niềm hy vọng ở tương lai: được hãnh diện là người Việt Nam!

Nguyễn Công Bằng (VDF)

|||

Quý Đồng hương muốn xem thêm thông tin về ViDan Foundation xin thăm mạng:  www.vidan.us

Thư từ liên lạc hay chi phiếu ủng hộ cho Hội xin vui lòng gửi đến:

ViDan Foundation: PO Box 92601, Austin, TX 78709-2601

Đồng Hương muốn đóng góp qua hệ thống chuyển ngân PayPal có thể ủng hộ các chương trình của Hiệp Hội qua địa chỉ email:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Mọi thắc mắc hay hay cần trao đổi, xin vui lòng liên lạc cô Anh Trinh ở số điện thoại: 713-391-9843 hoặc địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.


 Article reviewed by Que-Chi Truong-Bolduc

Massachusetts General Hospital and Harvard Medical School, United States.

 

Comments powered by CComment

Đóng góp qua PayPal

Xin vui lòng cung cấp địa chỉ email
và chương trình muốn trợ giúp.

 

Bài đọc nhiều

VDF' Activity Slideshow

Các Chị trong BTC Buổi Gây Quỹ "Cho Tuổi Thơ Niềm Hy Vọng" tổ chức ngày 11/01/2015 tại hội trường Đài VAN-TV 55.2 ở Houston (Texas)nhằm tạo ngân quỹ bảo trợ các chương trình dạy chữ cho hơn 500 trẻ em gia đình VN nghèo ở Cambodia.

The Interfaith Religious Leaders appease and ditribute gifts to Child Cancer Patients in Saigon. VDF was one of major contributors. Các chức sắc Tôn giáo phát quà cho các bệnh nhi ung bướu ở Chùa Liên Trì - Hình 1 Kể từ năm 2015, Câu lạc bộ Hoa-Mai (tiền thân của ViDan Foundation) đã phối hợp với HT Thích Không Tánh và hội Vietnam Compassion (ở Pháp) để phát quà (mỗi năm 2-3 lần) cho các trẻ em bị bệnh ung bướu, và TPB-VNCH.

The Interfaith Religious Leaders appease and ditribute gifts to Child Cancer Patients in Saigon. VDF was one of the major contributors. Các chức sắc Tôn giáo phát quà cho các bệnh nhi ung bướu ở Chùa Liên Trì - Hình 2 Kể từ năm 2015, Câu lạc bộ Hoa-Mai (tiền thân của ViDan Foundation) đã phối hợp với HT Thích Không Tánh và hội Vietnam Compassion (ở Pháp) để phát quà (mỗi năm 2-3 lần) cho các trẻ em bị bệnh ung bướu, và TPB-VNCH.

Some members of the Fundraising Team at VAN-TV in Houston (Texas) on January 11, 2015 to support educational projects for needy children in Cambodia. Các chị trong Ban Tổ Chức trình diện cử tọa tham dự buổi gây quỹ "Cho Tuổi Thơ Niềm Hy Vọng" Kỳ 2.

Crossing Tonle Sap to visit Vietnamese floating villages in Pursat province (Cambodia) Cảnh đoàn MIRO và ông Nguyễn Công Bằng đi ghe máy vượt Biển Hồ thăm các làng nổi ở tỉnh Pursat

Cảnh học trò trường Samaki tan học về nhà bè

Christine Quỳnh và bà Bích Ngọc góp lời chia sẻ

Christine Quỳnh và Ô.B. Vũ Ban & Bích Ngọc VAN-TV

Cư sĩ Trần Hiến, Christine Quỳnh và Ô.B. Vũ Ban, Bích Ngọc yểm trợ quỹ bảo trợ giáo dục cho trẻ Việt ở Cambodia

Dù đang mang bệnh hiểm nghèo song các em cũng vui khi có quà

Trẻ đùa giởn trên cồn cát và dòng nước ô nhiễm, dơ bẩn khi không còn không gian nào khác hơn.

HT Thích Huyền Việt - người bảo trợ tinh thần cho ViDan Foundation trong nhiều năm qua.

HT Thích Huyền Việt góp lời kêu gọi đồng hương yểm trợ

Lớp Việt Ngữ ở xóm Bãi Cát Neak Loeung

Lớp Việt Ngữ ở xóm Cầu Đá

Một bé gái chơi đùa và cuối xuống uống nước dơ bẩn ở bờ Biển Hồ - một cảnh trạng bình thường ở đây khi hoàn toàn không có một nguồn nước sạch nào khác.

Category: Bài vở
Trường trình: Quảng Yên Nguyễn Công Bằng
Hình ảnh: Tập thể VBTD10

Không kể số lượng người di tản vào thời điểm trước và sau biến cố 30/4/1975, tài liệu của Cao Uỷ ghi nhận có 849.228 người bỏ nước vượt thoát chế độ Cộng sản đã đến các trại tỵ nạn ở 9 nước trong vùng Đông Nam Á. Không ai biết chính xác bao nhiêu ngàn người đã bỏ mình trên đường tìm tự do xuyên qua biển Đông Việt Nam hay các vùng rừng núi Campuchia. Sự hy sinh của những thuyền nhân xấu số đang bị phai nhòa theo thời gian nhưng chắc chắn lịch sử đã ghi nhận mất mát to lớn đó như là một minh chứng hùng hồn nhất cho giá trị của hai chữ TỰ DO ở cuối thế kỷ 20.

Trong hơn ba thập niên qua, nhiều cuốn sách, đoạn phim, câu chuyện đã thể hiện phần nào bao thảm cảnh xảy ra đối với người vượt biển, vượt biên… song lịch sử nhân loại sẽ không thể nào ghi lại hết được những khổ đau, mất mát kinh khiếp đã diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Chỉ riêng tại Mã Lai Á và Nam Dương, hàng ngàn xác người bất hạnh bỏ mình khi tàu đến bờ biển và bị giông gió đánh chìm, hay bị tử vong khi tàu bị kéo ra biển khơi. Tại Mã Lai Á, vì lý do phong tục và tôn giáo, xác của các thuyền nhân xấu số đã được vớt lên và mai táng chung trong các nghĩa trang người Hoa ở địa phương. Trong đó có rất nhiều ngôi mộ tập thể.

(Từ trái) Mộ tập thể chôn 139 thuyền nhân (MT065), và mộ tập thể chôn 137 thuyền nhân (MT065)

Hai ngôi mộ tập thể lớn nhất ở tiểu bang Terengganu (Mã Lai Á) chôn tổng cộng 276 xác thuyền nhân. Một đặc điểm cần ghi nhận là mộ tập thể từ vài ba người lên đến 139 người (mộ tập thể Cherang Ruku, tiểu bang Kelantan) chỉ có thể tìm thấy tại Mã Lai Á. Tại Phi Luật Tân, Nam Dương và Thái Lan, người ta không tìm thấy dấu vết của bất cứ một ngôi mộ tập thể nào; song điều đó không có nghĩa là không có nhiều người chết trong cùng một vụ đắm tàu.

Hình ảnh một số trong hàng ngàn ngôi mộ đang bị hư hoại

Trên một số hòn đảo từng là bến bờ tự do như đảo Bidong hay quần đảo Anambas... hàng ngàn người bất hạnh khác đã gửi xương cốt vĩnh viễn. Do không có người chăm sóc hàng năm, các nghĩa trang trở nên hoang tàn, nhiều tấm bia đơn sơ đã bị đổ nát, phần lớn các ngôi mộ đấp đất sơ sài đã bị mưa gió soi mòn sau nhiều năm không được chăm sóc.

Trước cảnh tượng đau lòng này, kể từ năm 2005, Văn khố Thuyền Nhân Việt Nam (VKTNVN) cố gắng vận động sự yểm trợ của đồng hương khắp nơi để trùng tu mộ phần thuyền nhân trong các nghĩa trang trên đất liền tại Malaysia.

Một số các nghĩa trang đã được VKTNVN trùng tu trong đất liền Malaysia.

Sau 6 năm với nhiều cố gắng vượt bực và sự đóng góp của đồng bào hải ngoại, chương trình đã trùng tu, lập bia cho hơn 500 mộ trên đất liền (nơi mai táng tổng cộng hơn 1.000 thuyền nhân xấu số). Chương trình cũng đã tìm kiếm được hàng ngàn ngôi mộ khác ở Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, v.v...

Theo dự trù, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2015, VKTNVN sẽ trùng tu lớn cho ngôi mộ tập thể 46 người ở Balai Bachok, và gây quỹ trùng tu nghĩa trang vùng Anambas (khoảng 300 mộ), ở đảo Bidong (khoảng 270 mộ), đảo Galang (503 mộ) và khu vực trại tỵ nạn Bataan ở Phi Luật Tân (khoảng 300 mộ). Năm 2015 sẽ trùng tu những mộ phần mới tìm thấy ở Thailand, Hong Kong hoặc những nơi chưa hoàn  tất kịp trước đó.

Trong chuyến "Về Bến Tự Do 10" được tổ chức từ ngày 12/5 - 2/6/2012, gần 40 cựu thuyền nhân đã có dịp trở lại đảo Galang và Bidong. Mục đích của chuyến đi là tạo điều kiện cho các thuyền nhân thăm viếng nơi chốn đặt những bước chân tự do đầu tiên sau hành trình vượt thoát chế độ CSVN; đồng thời nghiên cứu phương thức trùng tu ngôi mộ các thuyền nhân bất hạnh đã gửi xương cốt lại vĩnh viễn trên các hòn đảo hoang vắng.

Theo sự tổng hợp thông tin từ hồ sơ của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, Pulau Bidong là chốn tạm dung của hơn 242 ngàn người tỵ nạn từ năm 1978-1991; trong đó có 433 thuyền nhân đã từ trần và phần lớn được chôn tại đảo. Các ngôi mộ được tập trung ở bốn nghĩa trang ở Khu C, E, F và G.

Khác với mộ phần các thuyền nhân được chôn ở nghĩa trang Galang ở Nam Dương (là nơi được chăm sóc thường xuyên bởi chính quyền bản xứ) mộ phần thuyền nhân ở các nghĩa trang trên đảo Bidong đang đối diện với nguy cơ bị hư hoại nghiêm trọng (vì cho đến nay Bidong vẫn là một đảo không có người định cư).

Hiện tình các nghĩa trang ở Bidong vào tháng 5/2012 được ghi nhận như sau:

       - Nghĩa trang Khu C: Gồm 7 ngôi mộ đắp xi-măng, đã bị nứt nẻ nhiều và hư hoại nặng.

       - Nghĩa trang Khu G: Vừa được tìm thấy trên đồi (tại khu bồn nước khu G) gồm 86 mộ đắp bằng đất với đá tảng chất vòng chung quanh mỗi mộ.

       - Nghĩa trang Khu E: Gồm 15 mộ (do Liên đoàn Phật tử Khuôn Việt lập) được xây sơ sài bằng xi-măng, mai táng ở vùng đất trũng thấp, đang bị hư hoại nặng.

       - Nghĩa trang Khu F: Là nghĩa trang lớn nhất, gồm 159 mộ (theo nội dung ghi trên tấm bia bằng xi-măng), hầu hết chỉ có một tấm bia mộ đúc bằng xi măng và phần lớn đang trong tình trạng hư hoại nặng nề.

Nhìn chung, đại đa số các ngôi mộ đều đang trong tình trạng bị bể nứt, các bia bị nứt, gãy, đổ... toàn bộ mộ phần luôn bị cây rừng và cỏ dại mọc lấn tràn lên các mộ.

Nhu cầu trước mắt cho việc trùng tu ở nghĩa trang Galang là sửa chữa những ngôi mộ đã bị hư hoại, kể cả bia mộ. Do phần lớn mộ được xây bằng xi-măng, việc quét vôi lại toàn bộ để xóa bớt đi dấu vết tàn phá của thời gian cũng là một việc cần thực hiện - nếu như ngân quỹ cho phép. Hy vọng là các thuyền nhân từng ở Galang sẽ gây quỹ hoặc ủng hộ VKTNVN trùng tu khu nghĩa trang này.

Riêng ở đảo Bidong, nhu cầu lớn nhất là lập bia mộ (theo mẫu ở các nghĩa trang đã được VKTNVN trùng tu) để ghi lại thông tin chính xác của từng ngôi mộ; và tìm cách ngăn chận cây rừng, cỏ dại lấn phá các ngôi mộ trong lâu dài. Với hoàn cảnh không thể có điều kiện chăm sóc thường xuyên cho các nghĩa trang ở Bidong, việc trùng tu và có phương cách bảo vệ sự hư hoại bởi thiên nhiên là một thách thức lớn. Dự án này đòi hỏi một ngân sách hàng trăm ngàn mỹ kim, và sự đóng góp công sức của nhiều người. Với con số gần 250 ngàn người vốn đã từng tạm dung ở đảo này, việc góp sức chăm sóc cho hơn 200 ngôi mộ sẽ không phải là một trở ngại nếu như chương trình này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của 10% cựu thuyền nhân Bidong.

Về cơ sở vật chất, tất cả đang bị hư hoại nặng nề và có lẽ không tồn tại được thêm bao lâu nữa nếu như không có được một kế hoạch trùng tu đúng mức.

Hiện nay, những khu cư trú ngày nào của 242 ngàn thuyền nhân hầu như đã bị hư hoại hoàn toàn và tất cả đều đã trở thành khu rừng với dầy đặc cây cỏ như chưa từng có người sinh sống qua ở đó.

Di tích còn nhìn thấy được là ở Khu Đồi Tôn Giáo. Cánh Buồm Tự Do là công trình còn đứng vững tương đối tốt nhất.

Tượng Ông Già Bidong, Nhà thờ Công giáo, Chùa Từ Bi, Văn phòng Cao Ủy ở Bidong (5/2012)

Tượng Ông Già Bidong, nơi tôn thờ cầu nguyện của hàng trăm ngàn người mỗi khi đi phỏng vấn hay hồ sơ định cư bị khó khăn, hiện đang sụp đổ. Mảnh lưng rớt ra. Tượng Ông Già và Cô Cháu Gái gẫy làm hai và rớt xuống vì khung sắt đã bị mục nát. Hai cơ sở đang trên đà sập đổ là Nhà Thờ Công Giáo và Chùa Từ Bi. Nhà thờ Tin Lành và Cao Đài đã bị sập và mất dấu hoàn toàn. Các căn nhà của Cao Ủy LHQ chỉ còn lại khung sườn và những mái che đã bị mất nhiều phần. Những ai đã từng một lần trở lại thăm viếng các nghĩa trang thuyền nhân đều không khỏi chạnh lòng và cảm thấy rõ ràng món nợ tình nghĩa chưa thanh thỏa xong với những người bạn đồng hành, đồng cảnh ngày nào.

Công trình mới nhất được xây dựng ở Bidong là cây cầu Jetty, do chính phủ Mã Lai xây dựng với ngân sách 1 triệu Mã kim (RM).

***

May mắn thoát khỏi chế độ độc tài Cộng sản chỉ là bước đầu. Đến được bến bờ tự do là may mắn kế tiếp. Có được đi định cư ở nước thứ ba hay không là một may mắn khác. Và trong quá trình đó, hàng trăm ngàn người bất hạnh đã bỏ mình trên đường vượt thoát hoặc chết tức tưởi ngay trước khi được có cái diễm phúc đặt chân lên bờ bến tự do.

Con số trên một triệu người tiếp tục liều chết tìm tự do trong suốt hai thập niên đã đánh thức lương tâm nhân loại, và trở thành yếu tố thúc đẩy sự thành hình các chương trình định cư nhân đạo dành cho những người có thân nhân ở nước ngoài (ODP), hay đã từng bị tù đày, ngược đãi (H.O.).

Lời tuyên bố của ông Trần Đông: "Quyết không để cho một ngôi mộ nào sẽ chịu cảnh mồ siêu mả lạc..." chứa đựng đầy ắp tâm huyết đáng trân trọng song cũng hứa hẹn nhiều thử thách. Với con số hàng ngàn ngôi mộ cần sửa chữa, hàng ngàn tấm bia cần được thành hình, hàng chục nghĩa trang cần được khai hoang, ngăn chận cây rừng, cỏ dại lấn che... thực tế chắc chắn không đơn giản chỉ đòi hỏi một quyết tâm của người chủ xướng. Chương trình trùng tu hàng ngàn mộ phần thuyền nhân còn lại ở Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Thái Lan... cần sự đóng góp nhiệt tình của nhiều nguời để có được một ngân sách khả thi cho dự án.

Một vài bài viết tả thực về hiện tình các nghĩa trang hoang tàn chắc chắn không thể nói lên hết được nhu cầu trùng tu cần có. Những lời kêu gọi dù có hay cách mấy cũng không thể thành hình được ngay ngân quỹ phải có cho dự án... Nguyện ước ý nghĩa này chỉ có thể trở thành hiện thực khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người có lòng. Hy vọng sao sự đóng góp của nhiều người sẽ tạo đủ ngân quỹ để những thuyền nhân bất hạnh sớm thoát khỏi cảnh "mồ xiêu mả lạc".

Người viết thành khẩn cầu nguyện hương hồn những đồng bào xấu số đang gửi nắm xương tàn tại các nghĩa trang hoang vu hãy phò trợ cho nỗ lực của Văn khố Thuyền Nhân Việt Nam nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người hảo tâm ở khắp nơi, đặc biệt là những người đã từng là Thuyền Nhân hay là thân nhân của những nguời đã được may mắn định cư ở nước thứ ba bằng con đường vượt biển.

Xin cảm ơn ông Trần Đông cùng các đồng hương nhiệt tâm đã khởi xướng các chương trình về lại chốn xưa và tạo điều kiện cho những người hảo tâm có cơ hội chia sẻ phần nào với những người bạn vượt biển bất hạnh.

Kính mời đồng bào xem thêm thông tin ở mạng: www.vktnvn.com và ủng hộ cho các chương trình gây quỹ của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.

Chân thành chia sẻ.

Tường trình tại Kulua Lumpur ngày 2/6/2012

Quảng Yên Nguyễn Công Bằng

Thuyền nhân Pulau Bidong (78-79)

 

Copyright (c) The ViDan Foundation, Inc 2014. All rights reserved.
Designed by olwebdesign.com