Dạy học ở Cambodia: Khó khăn ban đầu

 Lớp Anh Ngữ trong ngày làm quen với lớp (07-06/2013)

Sau một tuần nhận học sinh và khởi đầu chương trình làm quen với lớp học, tôi nhận thấy ngay được một số điểm đáng mừng, và nhiều điểm đáng lo từ những đứa trẻ đang chập những bước vào đường học chữ trong “Chương trình Lớp Học 3 Ngôn Ngữ cho Trẻ Em Nghèo ở Cambodia”.

Những điểm đáng mừng

Những gia đình các em có ý thức về tầm quan trọng của giáo dục, hay nói nôm na theo lời họ là sự ích lợi của “cái chữ”, đã sốt sắng đến ghi danh cho con đi học. Có gia đình cố gắng mua được một bộ quần áo mới cho con mình. Có người ráng dành dụm chút tiền cho con đem theo ăn sáng… Đặc biệt, những lời tri ân chân chất của người cha, người mẹ đối với Hội, dù chỉ mới đến ghi danh, đã là một động lực giúp cho anh em trong nhóm chủ trương cảm thấy ấm lòng mà cố gắng tiến hành công việc.

Điểm đáng mừng khác là qua uy tín cá nhân của người sáng lập (anh Y Deour – một người Khmer gốc Việt), cũng như qua quá trình sinh hoạt lâu dài của anh tại Cambodia, nên một chính khách (và cũng là một đại doanh nhân) của Cambodia đã khéo léo yểm trợ cho việc lập Hội, sắp xếp nơi mở lớp đầu tiên, và cũng là người giới thiệu một văn phòng Luật sư nổi tiếng đứng ra chăm sóc vấn đề pháp lý cho Hội.

Điểm mừng kế tiếp là có bốn người thuộc giới có uy tín, đang có vị trí trong chính quyền tỉnh Siem Reap, đã nhận lời cùng với anh Y Deour đứng trong Hội đồng Quản trị để xin giấy phép thành lập Hội. Sự hiện diện của những vị này là uy tín đầu tiên và quan trọng của Hội đối với chính quyền và người Cambodia.

Những điểm đáng lo

Do hầu hết các em xuất thân từ những gia đình nghèo khốn khó và cha mẹ cũng thuộc thành phần không có cái may mắn được đến trường, phần lớn các em biểu hiện khá rõ ràng sự ô nhiễm từ môi trường sinh sống tạp nhạp của gia đình, làng xóm. Do vậy, để chuẩn bị tâm lý cần thiết để các em có thể học hành hiệu quả, Hội cần phải mướn thêm một Thầy hoặc Cô có khả năng sinh hoạt giỏi với các các em để đưa các em dần vào khuôn khổ lớp học, có tinh thần kỷ luật tự giác cao hơn, và những thói quen tốt trong sinh hoạt học đường. Giải quyết nhu cầu này là thêm một trách nhiệm về lương bổng của tập thể giáo viên. Ít nhất là $100-150 USD/tháng.

Về thể chất, rất khó để tin là những em nhỏ này đã 6, 7 tuổi hoặc lớn hơn nữa. Người các em nhỏ choắt, tay chân khẳng khiu và thân thể biểu hiện khá rõ tình trạng thiếu dinh dưỡng. Điều ngạc nhiên là trong số những em học sinh bé nhỏ này, một số đã có kinh nghiệm mưu sinh giúp gia đình bằng nghề xin, lượm chai nhựa ở nhà hàng, trên đường phố, thùng rác… Một cảnh tượng xót xa gặp phải là khi một bọc bánh chips (bán rất rẻ tiền ở xứ này)  bị rớt tung tóe trên sàn lớp học đầy bụi cát, ba em cùng nhóm đã ngồi xuống lượm lên ăn ngon lành. Các em hoàn toàn không có ý niệm về vệ sinh cơ bản. Cái thèm, cái đói lấn át hết mọi thứ khác.

Về tư cách, chỉ khoảng phân nữa các em biểu hiện sự ngoan ngoãn tương đối. Phần còn lại nói năng như đang sinh hoạt ở một góc chợ, thậm chí còn chửi thề một cách rất tự nhiên. Điều an ủi là các Thầy/Cô không tỏ vẻ tức giận mà lại rất kiên nhẫn để khuyên bảo, dạy dỗ từng em. Có lẽ những Thầy Cô này lớn lên hay sống ở đây lâu năm nên đã hiểu được lý do tại sao các em lại như vậy, và cảm thương, dạy dỗ cho các em tốt hơn thay vì rầy la, phạt vạ…

Về sinh hoạt, gần phân nửa là không có ý thức về kỷ luật. Chỉ trong một giờ đồng hồ quan sát, đã thấy tới ba lần một nhóm nhỏ 4 em ngồi thụp xuống gầm bàn chơi say mê với một bộ bài nhỏ nhắn. Có 5, 7 em cứ bỏ lớp chạy vô chạy ra… Người Thầy Giáo nhắc nhở, nắm tay từng em trở lại vị trí một cách rất kiên nhẫn. Có nhiều lúc Thầy giáo đưa tay bồng cả học sinh bướng bỉnh đưa trở lại bàn học.

Cùng lúc đó, việc di chuyển các em đến lớp học cũng là một vấn đề.Phần lớn gia đình các em sống nhoi nhúc ở các khu lao động nghèo sau các khu chợ bình dân. Nhà những gia đình này, nếu muốn gọi là nhà, là những cái chòi được thành hình bằng sự ráp vá bởi nhiều mảnh tôle thiết, lá dừa, giấy carton, tấm ni-lông… với nhau.Từ các khu này đến địa điểm lớp học không xa lắm song tất nhiên không thể đi bộ được. Và nếu không có phương tiện di chuyển thì xem như việc các em đi học trở thành bất khả thi, vì cha mẹ các em không có xe cộ và cũng không có thời giờ để đưa đón các em. May mắn sao một người phụ nữ tương đối khá giả trong vùng đã có lòng nhân từ, nhận bảo trợ tiền mướn một chiếc xe “rờ-mọt” (vốn dùng để chở hàng bình dân) để chở các em ở khu vực trên đường đi Biển Hồ đến lớp vào buổi sáng và đón về vào buổi chiều. Phần các em ở khu vực sau chợ Sa-lơ thì đến giờ phút này vẫn do sự đích thân đưa đón bằng chiếc xe riêng của anh Y Deour. Cách thức này chi phối việc điều hành lớp khá nhiều và đã trở thành một nhu cầu quan trọng cần được người có lòng đứng ra bảo trợ. Muốn giải quyết nhu cầu này, Hội cần bảo trợ một ngân khoản tối thiểu là $100 USD mỗi tháng để mướn thêm một xe “rờ-mọt” đưa đón các em.

Nhu cầu to lớn và quan trọng không kém là giải quyết việc ăn trưa cho các em.Do các em ở xa, đi về buổi trưa và trở lại buổi chiều gần như là chuyện không thể làm được, việc cung cấp bữa ăn trưa đã bất chợt trở thành một vấn đề khẩn thiết. Gia đình các em không có khả năng lo tiền ăn trưa cho các em, và cũng không có điều kiện để đem cơm đến, hay đón các em về nhà ăn cơm Vì vậy, chị Deour đã tình nguyện mua thực phẩm và nấu ăn miễn phí cho các em, trong thời gian chờ đợi Hội tìm được mạnh thường quân đứng ra bảo trợ toàn phần (khoảng $480 USD/tháng cho 40 em), với tốn phí khoảng 55 xu cho một phần cơm. Nhìn các em ốm yếu, xanh xao đón những đĩa cơm có thịt cá đầy đủ và ăn ngon lành, ai thấy cũng không cầm được sự xúc động. Rất có thể là ở nhà, các em cũng khó có được những bữa ăn tương đối đầy đủ như vậy.

Một nhu cầu khó làm ngơ khác là giúp một bộ quần áo cho những em mà gia đình quá khốn khó, đến nỗi không có được một bồ độ lành lặn cho con mình đi học. Trước tình trạng này, Hội đã mua một số quần áo để tặng cho các em thuộc diện nghèo khổ quá mức. Cũng từ vấn đề này, một số anh em trong Hội đã bàn đến việc xin bảo trợ để tặng đồng phục cho các em trong tương lai. Mỗi bộ đồ vải thường may sẵn ở chợ giá khoảng $5 USD / bộ.

Vài biểu hiện đó thôi cũng cho thấy là các em có nhu cầu giáo dục rất nhiều chứ không phải chỉ là dạy cho biết chữ. Chúng ta sẽ rất khó trách cứ gia đình các em khi cha mẹ các em cũng ở trong tình trạng tương tự. Có thể nói, chính môi trường sống thiếu giáo dục đã làm mất đi bản chất hồn nhiên trong sạch của các em. Dạy cho các em thưa hỏi đúng cách với Thầy Cô, cách ngồi, cách đứng, cách nói, cách ăn, v.v… chỉ mới là bước đầu cơ bản.

Vì vậy, trách nhiệm giáo dục của Hội nặng hơn rất nhiều, và rõ ràng là không có sự lựa chọn nào khác: Muốn giúp các em được nên người hơn sau này, phải kiên nhẫn rất nhiều trong tiến trình dạy dỗ sắp tới.

Những đứa trẻ vô tội này rồi sẽ lớn lên, lập gia đình và trở thành Cha Mẹ. Những gì các em tiếp thụ lúc tuổi thơ và thời niên thiếu sẽ là hành trang, chất liệu con người em sau đó.

Do vậy, nhu cầu giáo dục các em trở nên nặng nề và quan trọng hơn dự liệu ban đầu của Hội.

***

Nói chung, những trở ngại ban đầu không phải là quá bất ngờ song mức độ các vấn đề đã nhiều và lớn hơn những dự liệu trước khi khai giảng.

Những vấn đề đó cũng có nhu cầu song song với việc dạy cho các em biết chữ. Giải quyết được những vấn đề khó khăn cơ bản đó thì việc giáo dục về văn hóa mới có điều kiện để tiến hành.

Hội đã xây dựng được bước tiến quan trọng đầu tiên. Trân trọng cảm ơn anh Y Deour và gia đình đã quyết chí tiến hành chương trình ý nghĩa này. 
Anh chị em thuộc Câu lạc bộ Hoa-Mai đã đóng góp cho bước đầu, và sẽ tiếp tục giới thiệu, vận động các anh chị em có lòng khác cùng tiếp tay trong thời gian tới.
Nhóm Chủ trương hy vọng sẽ nhận được sự tiếp trợ về mặt tinh thần và vật chất của những người có lòng và cùng chung sự quan tâm. Mỗi người một tay, chúng ta sẽ giúp cho các em nhỏ này có được một tương lai sáng sủa hơn là đi lượm ve chai, làm phu, làm thợ rẻ tiền cho người bản xứ. Tương lai của các em là ở “cái chữ”.

Chúng ta không thể cưu mang tất cả người kém may mắn nhưng chúng ta có thể giúp thay đổi cuộc đời của những đứa bé thơ này qua con đường giáo dục cơ bản.

Mong thay!

Nguyễn Công Bằng

Ngày 7 tháng 6 năm 2013
Viết từ thành phố Siem Reap, Cambodia.

Comments powered by CComment

Đóng góp qua PayPal

Xin vui lòng cung cấp địa chỉ email
và chương trình muốn trợ giúp.

 

Bài đọc nhiều

VDF' Activity Slideshow

Các Chị trong BTC Buổi Gây Quỹ "Cho Tuổi Thơ Niềm Hy Vọng" tổ chức ngày 11/01/2015 tại hội trường Đài VAN-TV 55.2 ở Houston (Texas)nhằm tạo ngân quỹ bảo trợ các chương trình dạy chữ cho hơn 500 trẻ em gia đình VN nghèo ở Cambodia.

The Interfaith Religious Leaders appease and ditribute gifts to Child Cancer Patients in Saigon. VDF was one of major contributors. Các chức sắc Tôn giáo phát quà cho các bệnh nhi ung bướu ở Chùa Liên Trì - Hình 1 Kể từ năm 2015, Câu lạc bộ Hoa-Mai (tiền thân của ViDan Foundation) đã phối hợp với HT Thích Không Tánh và hội Vietnam Compassion (ở Pháp) để phát quà (mỗi năm 2-3 lần) cho các trẻ em bị bệnh ung bướu, và TPB-VNCH.

The Interfaith Religious Leaders appease and ditribute gifts to Child Cancer Patients in Saigon. VDF was one of the major contributors. Các chức sắc Tôn giáo phát quà cho các bệnh nhi ung bướu ở Chùa Liên Trì - Hình 2 Kể từ năm 2015, Câu lạc bộ Hoa-Mai (tiền thân của ViDan Foundation) đã phối hợp với HT Thích Không Tánh và hội Vietnam Compassion (ở Pháp) để phát quà (mỗi năm 2-3 lần) cho các trẻ em bị bệnh ung bướu, và TPB-VNCH.

Some members of the Fundraising Team at VAN-TV in Houston (Texas) on January 11, 2015 to support educational projects for needy children in Cambodia. Các chị trong Ban Tổ Chức trình diện cử tọa tham dự buổi gây quỹ "Cho Tuổi Thơ Niềm Hy Vọng" Kỳ 2.

Crossing Tonle Sap to visit Vietnamese floating villages in Pursat province (Cambodia) Cảnh đoàn MIRO và ông Nguyễn Công Bằng đi ghe máy vượt Biển Hồ thăm các làng nổi ở tỉnh Pursat

Cảnh học trò trường Samaki tan học về nhà bè

Christine Quỳnh và bà Bích Ngọc góp lời chia sẻ

Christine Quỳnh và Ô.B. Vũ Ban & Bích Ngọc VAN-TV

Cư sĩ Trần Hiến, Christine Quỳnh và Ô.B. Vũ Ban, Bích Ngọc yểm trợ quỹ bảo trợ giáo dục cho trẻ Việt ở Cambodia

Dù đang mang bệnh hiểm nghèo song các em cũng vui khi có quà

Trẻ đùa giởn trên cồn cát và dòng nước ô nhiễm, dơ bẩn khi không còn không gian nào khác hơn.

HT Thích Huyền Việt - người bảo trợ tinh thần cho ViDan Foundation trong nhiều năm qua.

HT Thích Huyền Việt góp lời kêu gọi đồng hương yểm trợ

Lớp Việt Ngữ ở xóm Bãi Cát Neak Loeung

Lớp Việt Ngữ ở xóm Cầu Đá

Một bé gái chơi đùa và cuối xuống uống nước dơ bẩn ở bờ Biển Hồ - một cảnh trạng bình thường ở đây khi hoàn toàn không có một nguồn nước sạch nào khác.

Category: Bài vở

... những đứa trẻ Việt đi lượm ve chai thay vì đi học...

Năm 1992, từ cảm nhận với nỗi bất hạnh của 43 nạn nhân xấu số trong một trận thiên tai ở quê nhà, lòng từ bi trắc ẩn dẫn tôi đến ý nghĩ vận động thành lập một hội từ thiện để chia sẻ với những đồng bào kém may mắn. Với sự cảm thông, ủng hộ của nhiều thân hữu, năm anh chị em trẻ đã cùng nhau thành lập hội SAP-VN. Từ thời điểm này, tôi đã khởi đầu cuộc đời “ăn xin từ thiện” để làm trung gian chuyển những tấm lòng nhân ái đến số đồng bào kém may mắn ở quê nhà. Sau 4 năm vật vã với các khó khăn ban đầu, Hội đã có những bước hoạt động đáng khích lệ. Nó không những mang niềm vui mà còn thay đổi được cuộc đời của hàng trăm trẻ khuyết tật.

Tôi rời Hội vài năm sau khi nó đã tạm ổn định để dành thời gian cho những nỗ lực đang dang dở: góp phần dân chủ hoá đất nước. Những anh chị em trẻ hơn đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm và Hội tiếp tục hoạt động tốt đẹp trong hơn 20 năm qua, với quyết tâm của hai anh chị đồng sáng lập viên đầy tâm huyết, bằng sự dấn thân đóng góp công sức của hàng trăm người trí thức trẻ và sự hỗ trợ của hàng ngàn mạnh thường quân nhiệt tình ở khắp nơi.

Năm 2003, từ một hoàn cảnh khác, tôi trở lại Cambodia và chợt biết được nỗi khổ kinh khiếp của tập thể đồng bào đang lưu lạc khốn khổ ở nơi này. Con số không phải chỉ là vài trăm, vài ngàn người mà thậm chí có thể là vài chục ngàn... vài trăm ngàn thân phận long đong lạc xứ. Đây là những “Việt kiều” bất hạnh, khác hẳn với bất cứ cộng đồng người Việt nào đang sống ngoài đất nước Việt Nam. Họ không phải là những người được hưởng quy chế tỵ nạn hay di dân hợp pháp. Đại đa số phải chịu cảnh “nhập cư bất hợp pháp” trên xứ Chùa Tháp, trong đó có không ít người lâm vào hoàn cảnh “ở lại không được mà về nước cũng không xong”. Tại sao? Vì ở Miên thì không được cấp quốc tịch hay thường trú hợp pháp lâu dài. Con cháu sinh ra ở xứ này thì không được cấp giấy khai sinh để đi học hay hưởng các phúc lợi xã hội căn bản của người bản xứ. Nhưng về nước thì cũng không biết làm sao để sống trong cảnh không đất, không nhà, không tài sản, tiền bạc và quan trọng nhất là không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân Việt Nam. Các cơ quan nhân quyền và thiện nguyện quốc tế gọi số đồng bào này là "stateless". Có không ít gia đình muốn quay trở về nước mà không biết làm sao để về, về ở đâu, làm gì để sống... Đối với lớp trẻ hơn thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba (sinh ra trên xứ Chùa Tháp) thì không biết về Việt Nam với tư cách gì khi không có quốc tịch Cambodia, mà cũng không có giấy tờ gì chứng minh là gốc người Việt.

Do bối cảnh chính trị còn nhiều phức tạp ở Cambodia, tôi chỉ tiến hành được một vài công việc nhỏ trong số các dự tính hoạt động từ thiện ở đây, qua danh xưng Câu lạc bộ Hoa Mai – một nhóm từ thiện tư nhân đã trợ giúp cho hàng ngàn dân oan, nạn nhân thiên tai bão lụt, trẻ em mắc bệnh ung bướu và một số Thương phế binh VNCH từ năm 2006 ở Việt Nam.

Mười năm sau, tôi trở lại Cambodia và tiếp nối các công việc trợ giúp nhân đạo cho một số đồng bào kém may mắn đang lưu lạc khốn khổ ở xứ sở này. Từ một quen biết tình cờ ở ba năm trước, một “ngôi trường” dạy ba ngôn ngữ cho 45 trẻ đã được phối hợp thành lập ở tỉnh Siem Reap vào đầu tháng 06/2013. Mọi việc tiến triển tốt đẹp sau gần 3 tháng hoạt động, cho đến khi một “tai nạn nhiều uẩn khúc” xảy ra khiến tôi suýt mất mạng. Chương trình trợ giúp giáo dục ở khu Sieng Nam Borei tiếp tục được một năm với nhiều khó khăn, đố kỵ, phá hoại... Dù vậy, nỗ lực giúp cho đám trẻ kém may mắn này đã nhận được sự quan tâm, yểm trợ tinh thần lẫn vật chất của nhiều người có lòng ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 03/2014, với sự khuyến khích của nhiều thân hữu và cũng là để đáp ứng nhu cầu các dự án hoạt động nhân đạo, anh chị em thành viên Câu lạc bộ Hoa Mai và một số thân hữu có tâm huyết đã cùng đứng tên chính thức thành lập ViDan Foundation Inc. (danh xưng tiếng Việt là Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân) theo quy chế bất vụ lợi 501(c)3. Sáu tháng sau, Hiệp Hội được giấy phép cấp biên nhận trừ thuế liên bang cho các đóng góp tài chánh và vật chất. Trong thời gian này, Hội đã bắt đầu thực nghiệm một chương trình mở lớp dạy chữ ở hai tỉnh Kampong Chhnang và Prey Veng. Khoảng 300 trẻ thơ thuộc các gia đình người Việt lao động nghèo đang lưu lạc mưu sinh đã được đến trường học chữ miễn phí. Hội cũng đã tổ chức gây quỹ trợ giúp khẩn cấp cho hai cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu và Đinh Đăng Định, với kết quả tổng cộng hơn 20 ngàn mỹ kim.

Sau thử thách ban đầu, chương trình trợ giúp giáo dục cho trẻ thơ Việt Nam ở Cambodia đã tiến triển khá quan. Nhưng đó cũng là bước đầu của một chuỗi trách nhiệm thường trực nặng nề. Trách nhiệm vì các chương trình đang thực hiện là từ sự đóng góp của hàng ngàn đồng hương hảo tâm ở khắp nơi, phải làm sao để có kết quả cao nhất trong hoàn cảnh đầy khó khăn, phức tạp ở Cambodia. Mặt khác, với nhu cầu quá to lớn của hàng chục ngàn, thậm chí có thể là trăm ngàn trẻ thơ gốc Việt ở xứ này, phải làm sao để tình trạng dốt chữ của những đứa trẻ bất hạnh này được thật nhiều người biết đến. Bởi lẽ, để đáp ứng nhu cầu to lớn này, một Hội không thể làm nổi. Do vậy, chúng tôi cảm ơn những đóng góp, yểm trợ cho ViDan Foundation song luôn kêu gọi các hội khác hãy lập chương trình trợ giúp thêm cho số đồng bào kém may mắn này. Ưu tư đó đến nay vẫn còn là một trăn trở không nguôi. Tập thể đồng bào bất hạnh này ở thật gần quê hương nhưng dường như vẫn còn ở xa trong sự quan tâm của nhiều người.

Và câu hỏi thứ hai cũng nặng nề không kém là làm sao có đủ tiền để duy trì các chương trình đang có, bao gồm việc bảo trợ và yểm trợ cho hơn 500 trẻ ở 3 tỉnh Kampong Chhnang, Prey Veng và Pursat. Cho đến nay, Hội vẫn chưa có cách nào hơn là "đi xin": xin ở kỳ gây quỹ hằng năm tại Houston (TX), xin qua internet, qua hàng ngàn thư gửi đường bưu điện, qua những buổi sinh hoạt có đông người và xin qua những cơ may gặp gỡ người có lòng từ bi, bác ái. Nói chung, bất cứ nơi nào, cơ hội nào... có thể xin được là... xin.

Thật tình thì đến giờ tôi vẫn còn... mắc cở khi phải ỉ ôi xin đồng hương nhủ lòng giúp đỡ nhưng mỗi khi bị chạnh lòng vì một thái độ vô tình, vô cảm... nào đó thì hình ảnh những đứa trẻ vô tội với nụ cười thật tươi khi được đến "trường" học chữ, dù chỉ là "nửa chữ", lại giúp tôi phục hồi được tinh thần và tiếp tục đi... "xin". Những câu hỏi của mẹ cha đám trẻ thắc mắc là chương trình sẽ dạy chữ trong bao lâu, nhất là câu hỏi thơ ngây của một bé thơ mới vừa học những chữ đầu tiên trong đời: "Thầy ơi! Con có đi học hoài không?" khiến tôi lúng túng và cảm thấy nghèn nghẹn. Tôi không có câu trả lời của chính mình. Câu trả lời là ở những tấm lòng ở khắp nơi, còn tôi chỉ là người ăn xin lòng nhân ái để chuyển gửi đến các cháu. Người bạn thân hơn 30 năm của tôi và cũng là một thành viên HĐQT Hiệp Hội -- nhà văn Tưởng Năng Tiến -- luôn "cháy túi" sau mỗi chuyến thay mặt Hội thăm viếng các cháu học sinh nghèo khổ ở Cambodia. Và mỗi lần trở lại Mỹ, cũng âm thầm đi "ăn xin từ thiện" như các anh chị em VDF khác. Cho đến nay, Hiệp Hội chỉ có thể xác nhận sự bảo trợ mỗi kỳ ba tháng thôi; ba tháng sau có đủ ngân quỹ thì bảo trợ tiếp... Tuy nhiên trong quá trình đó cũng có những lúc rất vui khi nhận được sự chia sẻ của những tấm lòng chứa chan tình nhân ái: không những đã nhiệt tình đóng góp mà còn cảm ơn người đi "xin" đã cho cơ hội để được "cho". Có vài cụ truất tiền già $25 mỗi tháng để góp quỹ cho các cháu được đi học, vì "thấy đám cháu ở xứ này có nhiều thứ quá còn đám trẻ Việt ở Cambodia không có gì hết. Còn bị dốt chữ nữa!".

Với những gì Hiệp Hội "giúp" được vừa qua, kể cả thời gian còn là CLB Hoa-Mai, quả là quá nhỏ bé so với con số đồng bào đang khốn khổ, dù là ở trong nước hay ở Cambodia.  Ai cũng biết rằng, dù có giúp được hơn nhiều lần cũng chẳng thấm vào đâu, và sẽ chẳng giải quyết được gì, bởi nguyên nhân của sự khổ sở triền miên này vẫn còn đó. Tuy nhiên, như những nỗ lực trợ giúp nhân đạo khác, ít nhất là cố gắng tiếp trợ của ViDan Foundation cũng đã góp phần duy trì niềm tin của những thân phận kém may mắn về lòng nhân ái. Tình nhân loại, nghĩa đồng bào là ở đó. Người Việt ở Cambodia cũng là đồng bào của mình, mà còn đáng tội nghiệp hơn cả đồng bào ở trong nước nữa.

Do vậy, anh chị em ViDan Foundation sẽ tiếp tục vững lòng làm người "ăn xin từ thiện" để những đồng bào bất hạnh ở Xứ Chùa Tháp sẽ không cảm thấy quá cô đơn giữa cảnh đời lưu lạc khốn khổ -- khổ mà không biết là đang bị khổ, vì cuộc đời long đong lạc xứ đó chưa bao giờ được sung sướng.

Hy vọng sao bàn tay ngữa ra của anh chị em VDF sẽ nhận được những bàn tay úp lại. Và ở giữa đó là những món quà đầy ắp tình người. Mong thay!

Nguyễn Công Bằng

ViDan Foundation (VDF)

www.hoamai.us   |   www.vidan.us

------------------------------------------

Bạn có thể cùng chia sẻ với những đồng bào kém may mắn bằng cách tự tổ chức cứu trợ hay lập các chương trình trợ giúp dài hạn. ViDan Foundation sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và yểm trợ những gì có thể làm được.

Nếu bạn muốn đóng góp cho ngân quỹ hoạt động của Vidan Foundation, xin gửi chi phiếu đến:

ViDan Foundation: P.O. Box 842064, Houston, TX 77284

hoặc bằng hệ thống PayPal qua địa chỉ email: paypal@vidan.us

 

Copyright (c) The ViDan Foundation, Inc 2014. All rights reserved.
Designed by olwebdesign.com